VIỆN HÓA HỌC – VẬT LIỆU, CHẶNG ĐƯỜNG 60 NĂM GẮN BÓ MẬT THIẾT GIỮA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỚI ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC, GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ KHOA HỌC CHO QUÂN ĐỘI VÀ NHÀ NƯỚC
TÁC GIẢ: PGS.TS CHU CHIẾN HỮU
Tóm tắt: Thành lập năm 1960, được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học từ năm 1979, Viện Hóa học-Vật liệu luôn gắn kết giữa nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo. Đến nay, Viện đã đào tạo được 62 tiến sĩ và trên 100 thạc sĩ, Viện đang chủ trì 02 chuyên ngành và tham gia 02 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ tại Viện KH-CN quân sự. Nhiều đồng chí học viên, nghiên cứu sinh học tập tại Viện đã trở thành các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong và ngoài quân đội.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, đồng hành với những thăng trầm của đất nước trong kháng chiến chống Mỹ, xây dựng và đổi mới, dù có nhiều biến động về cơ cấu, tổ chức, song được sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Thủ trưởng Viện KH-CN quân sự, (trước đây là Viện Kỹ thuật quân sự đến năm 2000, Trung tâm Khoa học Kỹ thuật – Công nghệ quân sự từ năm 2000 đến năm 2008), Viện Hóa học – Vật liệu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực nghiên cứu hóa học, công nghệ hóa học, phòng chống vũ khí NBC, vật liệu mới, công nghệ và vật liệu bảo quản, công nghệ xử lý môi trường, .. Những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện đã được ứng dụng rộng rãi trong và ngoài quân đội. Song song với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Viện Hóa học – Vật liệu là một trong những cơ sở đầu tiên của Quân đội được tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ đào tạo trên đại học/sau đại học trong lĩnh vực Hóa học, Vật liệu. Sau 40 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Viện là đơn vị có uy tín, truyền thống đào tạo của Viện KH-CN quân sự trong và ngoài quân đội.
Quán triệt quan điểm của Đảng về Giáo dục-đào tạo, Khoa học Công nghệ là “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011) [1], Đảng ủy, Thủ trưởng Viện Hóa học – Vật liệu luôn quán triệt xác định rõ mục đích của đào tạo sau đại học tại Viện là đào tạo ra những nhà nghiên cứu có hiểu biết toàn diện, kiến thức vững chắc, năng lực làm việc độc lập trong chuyên môn hẹp, có đạo đức và lòng tự trọng cao trong nghiên cứu khoa học. Quá trình đào tạo chính là quá trình tích lũy kiến thức, kỹ năng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài về sau của học viên và các nghiên cứu sinh – như vậy, đào tạo chuyên sâu có ý nghĩa tạo nguồn dự trữ năng lực nghiên cứu cho đơn vị trong và ngoài quân đội.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, trong đó giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ không thể đứng ngoài bước tiến lịch sử của nhân loại, đòi hỏi các cơ sở đào tạo, khoa học công nghệ phải có sự chuẩn bị tốt nguồn lực tổ chức giảng dạy, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, xây dựng không gian học tập, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học…. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có 4 nhân tố quan trọng tương tác lẫn nhau là: nhân lực, đào tạo, nghiên cứu và quá trình tự thay đổi [2]. Xác định rõ việc phải đổi mới căn bản phương pháp đào tạo tạo phù hợp với các thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu coi giáo dục sau đại học là bước chuẩn bị hành trang cần thiết cuối cùng cho cán bộ nghiên cứu tự tin bước vào công tác chuyên môn, thì cơ sở đào tạo cần trang bị một cách đầy đủ những kỹ năng cần thiết cho họ, không chỉ cho hiện tại mà còn cả tương lai. Do vậy, trong những năm qua, Viện Hóa học – Vật liệu đã tích cực đổi mới triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn, xuất bản cập nhật nhiều giáo trình phục vụ công tác đào tạo sau đại học sát với trình độ chung của các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. Cùng với đó các đề tài nghiên cứu của các luận án Tiến sĩ cũng ngày càng gắn kết hơn với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Viện.
II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
2.1. Kết quả đạt được trong lĩnh vực đào tạo
Sau 40 năm được giao nhiệm vụ đào tạo, đã có 62 tiến sĩ, 100 thạc sĩ được cấp bằng, phối hợp với các trường trong và ngoài quân đội đào tạo hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, Viện còn thực hiện các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức Hóa học cho các đơn vị trong toàn quân. Hiện nay, Viện đang chủ trì 02 chuyên ngành: Hóa Hữu cơ, Kỹ Thuật Hóa học và tham gia 02 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ: Hóa lý – Hóa lý thuyết, Kỹ thuật môi trường tại Viện KH-CN quân sự. Nhiều đồng chí học viên, nghiên cứu sinh học tập tại Viện đã được khen thưởng vì thành tích học tập xuất sắc. Nhiều đồng chí được đào tạo tại Viện hiện đang giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy của các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy trong Quân đội và cơ quan nhà nước. Hiện nay, Viện đang quản lý 12 NCS trong hạn học tập thuộc các chuyên ngành được giao.
Nhiều thế hệ cán bộ của Viện được cử đi đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các cơ sở trong và ngoài nước được xem như một cơ hội mở rộng hợp tác, giao lưu khoa học công nghệ với các đơn vị bạn và nước ngoài. Từ năm 2000 đến nay, Viện có 10/22 tiến sĩ được đào tạo ở các nước có nền KHCN phát triển như Nga, Pháp, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… đây là các cán bộ được tiếp thu các kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến nhất áp dụng vào đào tạo trình độ sau đại học của Viện. Như vậy, thông qua hoạt động đào tạo, Viện đã mở rộng hợp tác nghiên cứu với các cơ sở nghiên cứu. Ngược lại, thông qua hoạt động nghiên cứu, Viện cũng đã hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các Trường đại học trong và ngoài quân đội, như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học KHTN/ ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Viện HL KH&CN Việt Nam, Học viện KTQS, Binh chủng Hóa học, … Tại nước ngoài là trường Đại học RMIT của Úc, Viện Hàn lâm KHCN Liên Bang Nga…
Kết thúc quá trình đào tạo, nhiều cán bộ có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ đã phát huy được vai trò tích cực và đóng góp hiệu quả vào các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, cả trong và ngoài quân đội. Hiện nay, nhiều cán bộ trẻ có trình độ tiến sĩ của Viện Hóa học – Vật liệu tiếp tục tham gia hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học.
Quá trình nghiên cứu, đào tạo tại Viện đã có các nhà khoa học là các nhà giáo tiêu biểu, có uy tín trong và ngoài quân đội như: GS.TSKH Nguyễn Đức Hùng, GS.TS Nguyễn Việt Bắc, GS.TSKH Đỗ Ngọc Khuê, PGS.TS Lê Trọng Thiếp…Nhiều cán bộ của Viện sau khi nhận học vị đã là chỉ huy, quản lý, nắm giữ các vị trí quan trọng trong ngành khoa học, ngành hóa học, vật liệu của Quân đội, như TS Phạm Quang Định – Chính ủy Viện KHCN Quân sự, PGS.TS Ngô Văn Giao – Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, TS Thân Thành Công – Phó Cục trưởng Cục KH Quân sự, Các đồng chí là thủ trưởng Viện Hóa học-Vật liệu như: TS Nguyễn Hùng Phong, TS Ngô Hoàng Giang, PGS.TS Chu Chiến Hữu, TS Trần Minh Công – Trưởng phòng TMKH, Các đồng chí là thủ trưởng Viện Hóa học Quân sự như PGS.TS Đinh Ngọc Tấn, TS Võ Thành Vinh… Nhiều cán bộ là chủ nhiệm các chương trình, đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia, cấp Bộ quốc phòng.
Viện luôn thực hiện tốt qui chế đào tạo của Bộ Giáo dục-Đào tạo, Viện KHCN Quân sự ban hành, tạo những điều kiện tốt nhất về phòng học, máy móc trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo. Nội dung, chương trình đào tạo luôn được cải tiến theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với xu thế chung của thế giới, khu vực, đặc biệt là xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Phương án đánh giá nghiên cứu sinh phản ánh đúng chất lượng đào tạo. Giáo trình, tài liệu tham khảo từng bước được nâng cao về cả chất lượng và số lượng đáp ứng được nhu cầu của người học. Nhiều giáo trình đã và đang là cẩm nang chuyên sâu không những phục vụ cho công tác đào tạo của Viện mà còn phục vụ cho các cán bộ trong công tác chuyên môn trong quá trình công tác, như Giáo trình Hóa hữu cơ nâng cao, Tên gọi và các cơ chế phản ứng hữu cơ,…. Hiện nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham gia đào tạo cơ hữu của Viện gồm 05 PGS, 22 TS, hơn 40 Th.S. Ngoài ra, Viện luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, hợp tác của các GS, PGS, TS là cán bộ của Viện đã nghỉ hưu trên mọi mặt công tác.
2.2. Kết quả đạt được trong việc gắn kết nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo
Sự gắn kết mật thiết giữa nghiên cứu và đào tạo được thể hiện rõ nét trên khía cạnh vấn đề khoa học. Nội dung nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh, học viên cao học thường là một phần nghiên cứu chuyên đề sâu trong tập hợp các vấn đề lớn đã và đang được giải quyết ở nhiều đề tài cấp Ngành, cấp Bộ hay cấp Nhà nước, hoặc là sự phát triển các nội dung nghiên cứu tiếp theo của các đề tài, nhiệm vụ. Khi đó, nội dung giải quyết trong các luận văn, luận án là tìm hiểu sâu để tìm ra các quy luật mới, là cơ sở khoa học lý giải cho các vấn đề đã giải quyết trong nghiên cứu (đề tài). Công tác nghiên cứu tạo ra những thành tựu, kết quả KHCN mới mẻ, bổ sung, cập nhật cho cơ sở dữ liệu phục vụ giảng dạy, đào tạo. Ngược lại, nhờ công tác giảng dạy, đào tạo, các thành quả KHCN của đơn vị được hệ thống hóa với tính logic cao.
Các thế hệ lãnh đạo Viện luôn chủ trương việc xác định vấn đề nghiên cứu hay nội dung đào tạo sau đại học (cụ thể là nội dung luận án của NCS) cho các học viên, nghiên cứu sinh luôn yêu cầu sự liên quan mật thiết với nhau, bám sát định hướng KHCN của đơn vị. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhằm tăng cường hơn nữa sự gắn kết 2 nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo của đơn vị, Viện Hóa học – Vật liệu đã phối hợp cùng Phòng Đào tạo/ Viện KH-CN quân sự giúp các thí sinh dự tuyển tìm hiểu định hướng nghiên cứu, từ đó có thể xác định được nội dung thực hiện luận án cho phù hợp với định hướng KHCN của Viện Hóa học – Vật liệu. Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho thí sinh dự tuyển được tiếp xúc trao đổi với các cán bộ có trình độ tiến sĩ, tuổi đời còn trẻ, được đào tạo ở nước ngoài cũng là một trong những ưu tiên Thủ trưởng Viện khuyến khích thực hiện nhằm thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu khoa học và phát huy sức sáng tạo trẻ, đề xuất những hướng nghiên cứu mới.
Một số Luận án Tiến sĩ cũng là các đề tài nghiên cứu Khoa học Công nghệ cấp nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng, tiêu biểu như:
– Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu biến tính Oligome ureformaldehyt sử dụng làm keo dán và phụ gia cho bê tông, vữa xi măng” của TS Trần Như Thọ là sự phát triển theo hướng nghiên cứu của chính tác giả từ đề tài Nhà nuóc KC-05/13 “Triển khai chế tạo vật liệu compozite trên nền kết dính xi măng – polime”;
– Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu chế tạo vật liệu blend trên cơ sở cao su thiên nhiên epoxy hóa với nhựa polyvinyl clorua và cao su cloropren” của PGS. TS Chu Chiến Hữu nằm trong hướng và nội dung nghiên cứu của đề tài KC-02/08 “Nghiên cứu chế tạo vật liệu cao su blend ứng dụng trong kỹ thuật ngụy trang và thủy lợi” do GS. TS Nguyễn Việt Bắc làm chủ nhiệm và đề tài KC-02/24 “Nghiên cứu chế tạo vật liệu cao su blend chống cháy và các kết cấu cứu hộ hỏa hoạn khẩn cấp nhà cao tầng” do KS Nguyễn Thành Nhân làm chủ nhiệm;
– Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu công nghệ mạ vàng hợp kim AuNi, AuCo, AuCu” của PGS. TS Nguyễn Duy Kết gắn với các đề tài cấp Nhà nước KC-07.18/06-10 “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ kim loại màu quy mô làng nghề” và đề tài Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mạ không sử dụng bể để mạ các công trình văn hóa” của chính tác giả;
– Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu chống ăn mòn kim loại bằng các hệ ức chế gốc imidazolin hướng ứng dụng trong công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ” của PGS. TS Ninh Đức Hà nằm trong hướng và nội dung nghiên cứu của đề tài KC-02/27 “Nghiên cứu tổng hợp một số hệ ức chế ăn mòn để bảo vệ bề mặt bên trong đường ống thép vận chuyển dầu mỏ, axit, nước vỉa trong việc khai thác dầu khí” do TS Nguyễn Hữu Đoan là Chủ nhiệm đề tài;
– Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu tổng hợp polyme từ tình, ứng dụng trong công nghệ chế tạo vật liệu hấp thụ sóng radar” của TS Võ Hoàng Phương là nội dung nghiên cứu từ đề tài “Nghiên cứu chế tạo sơn hấp thụ sóng radar” của chính tác giả;
– Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu chống ăn mòn cho vỏ liều đạn pháo 37mm tái sinh từ vỏ ống liều loại bỏ” của PGS. TS Nguyễn Thị Hoài Phương nằm trong nội dung nghiên cứu thuộc đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Hoàn thiện công nghệ nấu luyện hợp kim đồng LK75-0,5 từ ống liều loại bỏ để chế tạo ống liều đạn pháo cao xạ 37mm” do TS Mai Xuân Đông làm chủ nhiệm;
– Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu tổng hợp và chế biên dẫn xuất PAni ứng dụng chế tạo vật liệu bảo vệ” của TS Phạm Minh Tuấn gắn với đề tài cấp Nhà nước KC.02TN04/11-15 “Nghiên cứu chế tạo polyme dẫn điện ứng dụng trong chế tạo vật liệu bảo vệ” của chính tác giả và đề tài hợp tác Nghị định thư Việt Nam – Italia “Nghiên cứu phát triển KHCN về sản xuất sơn chuyên dụng thân thiện với môi trường” do GS. TS Nguyễn Việt Bắc làm chủ nhiệm;
Nhiều sản phẩm khoa học là kết quả gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo đã được áp dụng vào thực tiễn như:
– Sản xuất sơn, keo, chất trám, phụ gia bê tông, matit đường tuần tra biên giới cho các nhà máy Z của Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng, Ban 47, các công trình quân sự và dân sự. Sản xuất ủng cao su chống cháy cho Tập Đoàn Than Khoáng sản Việt Nam
– Công nghệ bảo quản: bằng không khí khô (túi, nhà bảo quản có máy hút ẩm, hòm compozit,…); bằng dầu, mỡ, sơn, vecni,… là các sản phẩm thường xuyên của Viện cung cấp cho Cục Quân khí, Cục Kỹ thuật Binh chủng, Cục quản lý xe máy/ Tổng Cục Kỹ thuật, Cục xăng dầu/Tổng cục Hậu cần, Quân chủng không quân, Hải Quân, Bộ tư lệnh pháo binh, Công binh…Dây chuyền bảo quản hóa tự động bằng dầu, mỡ cho Cục Kỹ thuật Binh chủng, Cục Xe máy của Tổng Cục Kỹ thuật.
– Hàng chục hệ thống, công nghệ mạ kẽm nóng chảy cho đường dây 500KV Bắc-Nam, Công nghệ mạ kẽm hóa học, công nghệ mạ crom, niken, bạc, vàng… cho các nhà máy trong và ngoài quân đội. Công nghệ sửa chữa, phục hồi, kiểm tra nguồn điện chuyên dụng quân sự, cho Quân chủng Hải quân và Phòng không không quân.
– Sản xuất vật liệu nano: carbon tube, graphen, graphen tổ hợp, nano bạc, nano oxyt kim loại… là các sản phẩm công nghệ cao đang có nhiều ứng dụng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng cho bộ quần áo ngụy trang ảnh nhiệt, tàng hình sóng rada, …
Tổng kết chặng đường 60 năm gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học, Viện Hóa học – Vật liệu đã góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao trong và ngoài quân đội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN tại các cơ sở nghiên cứu; đồng thời tích lũy, nâng cao năng lực nghiên cứu của đơn vị và mở rộng quan hệ hợp tác KHCN với các đơn vị bạn. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế của Viện KH-CN quân sự trong cả hoạt động nghiên cứu và đào tạo.
Đánh giá, ghi nhận những thành tích, kết quả KHCN của Viện, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 8 Huân chương Chiến công hạng Ba, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Viện đã có 2 công trình “Các vật liệu và công nghệ bảo quản vũ khí, trang bị khí tài quân sự” và “Phát triển và đổi mới công nghệ mạ, nhúng kẽm, bảo vệ, chống ăn mòn các kết cấu thép trong môi trường khí quyển Việt Nam”được tặng Giải thưởng Nhà nước về KHCN; được tặng 11 giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC), 11 đề tài các cấp TCKT, Bộ Quốc phòng và Nhà nước được tặng Bằng khen; 16 sản phẩm, thiết bị được tặng Huy chương tại các Hội trợ, Triển lãm KHCN. Hàng năm, có 2-3 công trình nghiên cứu của các cán bộ trẻ giành Giải thưởng TTST trong Quân đội. Đây chính là các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần đào tạo ra nhiều Thạc sỹ, Tiến sỹ, sinh viên tốt nghiệp đại học. Tiêu biểu như:
– Hướng nghiên cứu về Điện hóa chống ăn mòn đã đào tạo được TS Trần Quốc Tùy, TS Ngô Hoàng Giang, TS Lê Quang Tuấn, PGS.TS Nguyễn Duy Kết,…
– Hướng nghiên cứu về Hóa hữu cơ, Cao Phân tử là PGS.TS Chu Chiến Hữu, TS Trần Như Thọ, TS Đào Công Minh, TS Võ Hoàng Phương, TS Phạm Minh Tuấn,…
– Hướng nghiên cứu Hóa lý, Hóa lý thuyết là TS Nguyễn Hùng Phong, TS Thân Thành Công, TS Võ Thành Vinh,…
Qua những thống kê trên có thể thấy, suốt chặng đường xây dựng đơn vị, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo của Viện Hóa học – Vật liệu luôn gắn kết, song hành cùng nhau, được xác định là 2 nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Viện. Bản chất của việc đào tạo sau đại học là một quá trình học tập, nghiên cứu khoa học của bản thân học viên, nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của tập thể giáo viên hướng dẫn. Do đó, mối quan hệ giữa nghiên cứu và đào tạo ở Viện Hóa học – Vật liệu là khăng khít và tự nhiên [3]. Sự gắn kết nghiên cứu và đào tạo ở Viện Hóa học – Vật liệu thể hiện đầy đủ trên tất cả các mặt: con người, trang thiết bị và đặc biệt quan trọng là vấn đề khoa học.
2.3. Kiến nghị
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ đào tạo sau đại học, Viện Hóa học – Vật liệu vẫn còn gặp một số khó khăn, do vậy có những kiến nghị sau:
– Cần có cơ chế, chính sách về hợp tác đào tạo với quốc tế phù hợp với các qui định hiện hành trong và ngoài quân đội, nhằm nâng cao trình độ khoa học công nghệ, trình độ ngoại ngữ, chất lượng đào tạo của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu sinh.
– Tăng cường kinh phí cho viết sách chuyên khảo, chuyên sâu, vì ngoài giáo trình là các kiến thức cơ bản và nâng cao, sách chuyên khảo, chuyên sâu là kinh nghiệm là thực thế nghiên cứu của tác giả trong quá trình công tác cần được các thế hệ tiếp sau qua tham khảo rút ngắn rất nhiều thời gian tích lũy kinh nghiệm trong công tác đào tạo và nghiên cứu.
– Thực hiện Quy chế đào tạo và Quy định tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục&Đào tạo, Viện KH-CN quân sự mới ban hành, các giảng viên và nghiên cứu sinh sẽ bắt buộc phải có các công trình công bố trên các tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, với các yếu tố đặc thù là đơn vị nghiên cứu của quân đội, nguồn học viên cũng chủ yếu là trong quân đội, đề tài luận án của nghiên cứu sinh và định hướng nghiên cứu của Viện Hóa học – Vật liệu gắn kết với nhau thì việc thực hiện công bố trên các tạp chí quốc tế là tương đối khó khăn về mặt thủ tục, đề nghị có giải pháp hỗ trợ về thủ tục sao cho nhanh gọn (được phép gửi đăng), hỗ trợ kinh phí hoặc khuyến khích khen thưởng khi công bố đăng được.
– Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ kế cận. Khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, tiếp tục bồi dưỡng, xây dựng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu về nghiệp vụ sư phạm, bổ sung vào đội ngũ cán bộ tham gia công tác đào tạo tại Viện.
III. KẾT LUẬN
Sau gần 60 năm phát triển và trưởng thành, sự gắn kết 2 nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo của Viện Hóa học – Vật liệu đã được khẳng định là xu hướng tất yếu và luôn cần được khuyến khích. Sự gắn bó mật thiết của 2 nhiệm vụ này đã đem lại một số kết quả đáng ghi nhận trong suốt thời gian qua. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng các cấp, Viện Hóa học – Vật liệu sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh và hoàn thành tốt cả 2 nhiệm vụ trên, góp phần vào sự phát triển của công tác nghiên cứu và đào tạo chung của Viện KH-CN quân sự.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN.
- Chu Ngọc Anh (2017). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Tạp chí Cộng sản.
- GS. TS Nguyễn Việt Bắc, Một số suy nghĩ về đào tạo sau đại học (2009), Kỷ yếu Hội nghị kỷ niệm 30 năm công tác đào tạo của Viện KH-CN quân sự.
- Biên niên sự kiện kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện Hóa học – Vật liệu (12/10/1960 – 12/10/2015).